Ngành Logistics Việt Nam đang có những phát triển lớn trong những năm gần đây, nhưng làm thế nào để có những hướng phát triển đúng đắn để ngành Logistics Việt Nam cạnh tranh sòng phẳng với các doanh nghiệp Logistics trên thế giới? Mời các bạn tham khảo bài viết dưới đây.
Phát triển về số lượng và loại hình dịch vụ logistics
Mở rộng chuỗi cung ứng dịch vụ trọn gói và đa dạng
Phương thức cung cấp dịch vụ logistics bên thứ 3 – 3PL tiếp tục là phương thức cung cấp phổ biến nhất và có tầm ảnh hưởng quan trọng đến chuỗi cung ứng hàng hóa. Song số lượng doanh nghiệp cung cấp theo phương thức này chỉ chiếm khoảng 16% và chủ yếu là doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài.
Doanh nghiệp logistics nước ngoài hoạt động ở Việt Nam dưới nhiều hình thức, đặc biệt trong việc cung ứng dịch vụ 3PL với trình độ công nghệ hiện đại, chuyên nghiệp như tại các nước phát triển. Thậm chí, một số doanh nghiệp đang từng bước triển khai mô hình 4PL và 5 PL trên cơ sở phát triển thương mại điện tử và quản trị chuỗi cung ứng hiện đại, hiệu quả, chuyên nghiệp.
Bên cạnh đó, các doanh nghiệp logistics Việt Nam cũng không ngừng phát triển để cung cấp các dịch vụ logistics trọn gói và đa dạng hơn. Từ chỗ đa số chỉ cung cấp được một số dịch vụ trong chuỗi logistics thì đến nay, doanh nghiệp logistics trong nước đã có được sự tin tưởng cao hơn của các doanh nghiệp chủ hàng. Theo thống kê của VLA, hiện có tới 52,8% doanh nghiệp chủ hàng lựa chọn các công ty logistics nội địa.
Trong hầu hết các lĩnh vực về khai thác cảng, kho bãi, vận tải đường bộ nội địa, vận tải đường thủy nội địa… doanh nghiệp trong nước đang chiếm ưu thế. Các doanh nghiệp Việt Nam sở hữu phần lớn kho bãi, nên doanh nghiệp nước ngoài phải thuê lại hoặc liên kết, liên doanh để phục vụ dịch vụ logistics.
Bên cạnh đó, các công ty lớn trong nước như Gemadept, Transimex, Vinatrans, … cũng đang hướng đến các dịch vụ logistics tích hợp trọn gói và đồng bộ, tổ chức hoạt động theo mô hình 3PL nhằm thúc đẩy sản xuất, kinh doanh phát triển thông qua tối ưu hóa chi phí và tăng giá trị gia tăng cho hàng hóa và dịch vụ của doanh nghiệp.
Phát triển cơ sở hạ tầng Logistics Việt Nam
Để tham gia mô hình 3PL, các doanh nghiệp trong nước có khuynh hướng đầu tư vào cơ sở hạ tầng logistics, đặc biệt là kho bãi hoặc các trung tâm phân phối logistics Việt Nam.
Tuy nhiên, các dịch vụ logistics chủ yếu mà doanh nghiệp trong nước cung ứng cho khách hàng vẫn là dịch vụ kho bãi, dịch vụ vận tải hàng hóa, giao nhận hàng hóa, bốc xếp, dịch vụ phân loại, đóng gói bao bì, lưu kho… còn các dịch vụ khác trong chuỗi dịch vụ logistisc mặc dù cũng có một số doanh nghiệp cung ứng nhưng số lượng không nhiều và chưa thực sự được quan tâm phát triển.
Bên cạnh đó, một xu hướng là sự gia tăng mạnh mẽ của loại hình dịch vụ logistics phục vụ thương mại điện tử. Số lượng các công ty tham gia vào khâu giao hàng chặng cuối phục vụ cho thương mại điện tử tăng lên nhanh chóng, đặc biệt là thương mại điện tử hàng rời, giá trị đa dạng và hàng ăn uống.
Nhìn chung, chất lượng dịch vụ logistics Việt Nam đang có sự chuyển biến đáng kể theo hướng tích cực trong vài năm trở lại đây, trong đó, cơ sở hạ tầng về thương mại – giao thông, viễn thông và công nghệ thông tin cũng như chất lượng dịch vụ logistics đến từ khu vực tư nhân đang được cải thiện nhanh chóng, rõ rệt.
Phát triển năng lực doanh nghiệp Logistics Việt Nam
Sự gia tăng của các doanh nghiệp Logistics nội địa nhỏ
Những năm gần đây, các ngành dịch vụ vận tải, kho bãi, giao nhận và dịch vụ liên quan khác đều có mức tăng trưởng khả quan. Tuy số lượng đông và có xu hướng tăng so với sự gia nhập của doanh nghiệp logistics nước ngoài, nhưng hầu như các doanh nghiệp logistisc Việt Nam vẫn là các doanh nghiệp nhỏ và vừa cả về vốn, lao động và công nghệ.
Tiềm lực tài chính của các doanh nghiệp logistics Việt Nam còn khiêm tốn (80% doanh nghiệp thành lập có vốn đăng ký từ 1,5 – 2 tỷ đồng). Bên cạnh vướng mắc về vốn, thì doanh nghiệp logistics Việt Nam còn thiếu kinh nghiệm, năng lực cạnh tranh hạn chế, nên chưa có cơ hội vươn ra thị trường có nhu cầu lớn. Thêm vào đó, thiếu sự liên kết đồng bộ giữa các doanh nghiệp, giữa các công đoạn khác nhau của hoạt động logistics.
Phát triển nguồn nhân lực ngành logistics
Ngoài ra, nguồn nhân lực cũng là một yếu tố trở ngại, bởi hầu hết nhân lực trong lĩnh vực logistics Việt Nam hiện nay đều được đào tạo từ các nguồn khác nhau, chưa được đào tạo chính quy, bài bản. Năng lực của các doanh nghiệp Logistics Việt Nam do vậy, bị hạn chế bởi chất lượng cán bộ không đáp ứng được nhu cầu.
Trong số các doanh nghiệp trong nước, có tới 93 – 95% người lao động không được đào tạo chuyên ngành logistics, chủ yếu làm dịch vụ ở các chuỗi cung ứng nhỏ như giao nhận, kho bãi, xử lý vận đơn…
Quy mô nhân lực của các doanh nghiệp logistics Việt Nam khá nhỏ, doanh nghiệp có dưới 50 nhân viên chiếm tỷ lệ tới khoảng 32,4% và doanh nghiệp quy mô lớn (trên 1.000 nhân viên) chiếm tỷ lệ nhỏ chỉ khoảng 10,8%
Ứng dụng công nghệ cho ngành Logistics
Doanh nghiệp Logistics Việt Nam chưa ứng dụng được công nghệ thông tin, dẫn đến sự thiếu chuyên nghiệp
Mặt khác, ngoài yếu tố quan trọng là con người, công nghệ là lợi thế cạnh tranh then chốt trong thị trường logistics đầy tiềm năng nhưng cũng đầy cạnh tranh này. Dịch vụ logistics theo hướng 3PL đã hiện diện và có nhiều tiềm năng phát triển tại Việt Nam.
Do đó, nếu chỉ cung cấp các dịch vụ kho vận đơn giản, thuần túy… mà không tích hợp chúng thành quá trình, chuỗi dịch vụ, người cung ứng dịch vụ khó có thể thỏa mãn khách hàng về mặt giảm chi phí cũng như tính đáp ứng nhanh (quick responsiveness).
Có thể thấy, ở Việt Nam, một trong những nguyên nhân khiến cho dịch vụ logistics của nhiều doanh nghiệp được cung cấp thiếu chuyên nghiệp là trình độ ứng dụng CNTT kém. Ứng dụng công nghệ trong thời đại cách mạng công nghiệp 4.0, khi lượng hàng hóa di chuyển lớn, nhu cầu về thời gian, cũng như đảm bảo an toàn và chất lượng của hàng hóa… vẫn chưa có nhiều doanh nghiệp đáp ứng được.
Xu hướng ứng dụng công nghệ trong chuỗi dịch vụ Logistics
Tuy nhiên, gần đây, ngành logistics Việt Nam đã bắt đầu đạt được một dấu mốc quan trọng trong hiện đại hóa. Đổi mới và đầu tư công nghệ đang thực sự bắt đầu định hình các doanh nghiệp logistics, trở thành xu thế tất yếu của thị trường logistics. Công nghệ thông tin đóng vai trò quan trọng trong quá trình phát triển doanh nghiệp cung cấp dịch vụ logistics, được xem như huyết mạch kết nối các thành phần của toàn bộ chuỗi dịch vụ logistics
Các doanh nghiệp logistics mới sử dụng công nghệ để nâng cao khía cạnh dịch vụ của doanh nghiệp. Trong khi các doanh nghiệp logistics truyền thống đang hiện đại hóa với tốc độ ngày càng tăng, đặc biệt là tự động hoá các quy trình thủ công.
Ngoài việc đầu tư vào các gói phần cứng hoặc phần mềm, các doanh nghiệp logistics cũng đang đầu tư để trở nên phát triển nhanh hơn về mặt công nghệ. Ví dụ, chỉ có 12% các công ty logistics báo cáo không có các nhân viên chuyên trách về công nghệ thông tin (kỹ sư máy tính, lập trình viên,…), 14% doanh nghiệp trả lời là đã có hơn 100. Ngoài ra, 57% các công ty logistics phản hồi là họ đang sử dụng các chuyên gia dữ liệu.
Một số giải pháp về CNTT được các doanh nghiệp xem xét đầu tư như hệ thống công nghệ hỗ trợ khách hàng theo dõi quá trình vận chuyển hành hóa (E-Tracking/Tracing), hệ thống kết nối toán diện CNTT quản lý khai thác hàng container, các giải pháp hỗ trợ thành toán online, hóa đơn điện tử,…
Trong nội bộ doanh nghiệp, vai trò của bộ phận CNTT (hay bộ phận IT) đối với khách hàng cũng tăng lên. Năng lực của các doanh nghiệp logistics trong đưa ra công nghệ với khách hàng hoặc trong kết nối công nghệ với khách hàng đang ngày càng tăng lên rõ rệt.
Nhân tố thúc đẩy phát triển ứng dụng công nghệ thông tin cho doanh nghiệp Logistics
Ngân sách đầu tư công nghệ của doanh nghiệp logistics Việt Nam tiếp tục tăng về mặt tổng thể. Nhân tố cơ bản thúc đẩy việc tăng đầu tư công nghệ là để tạo ra sự khác biệt cho doanh nghiệp.
Nhân tố thúc đẩy lớn thứ hai là tận dụng lợi thế của công nghệ mới. Điều này phù hợp với tư duy của nhiều doanh nghiệp logistics lấy công nghệ làm trung tâm và đang bắt đầu thâm nhập vào ngành. Điều này cũng liên quan mật thiết đến tư duy về công nghệ trong toàn ngành như một nhân tố khác biệt bởi vì các công ty sẽ phải quyết định đầu tư/ không đầu tư vào các công nghệ mới để tạo ra một lợi thế cạnh tranh.
Như vậy dịch vụ logistics có sự phát triển khả quan cả về số lượng và chất lượng, thể hiện ở số lượng doanh nghiệp, năng lực của doanh nghiệp và số lượng, chất lượng dịch vụ logistics.
Theo Báo cáo Logistics Việt Nam 2019 – Logistics VN