Bên cạnh vận chuyển y bác sĩ, trang thiết bị y tế, các hãng hàng không đang đẩy mạnh những chuyến bay vận chuyển vắc xin.
Lập “hàng rào”, ngăn chặn lây lan
Từ tháng 7, các hãng hàng không phải cắt giảm nhiều chuyến bay vận chuyển hành khách. Đây không phải lần đầu tiên ngành hàng không đứng trước khó khăn như vậy. Kể từ khi dịch bùng phát, rất nhiều lần các hãng hàng không đã phải cắt giảm bay để phòng chống dịch.
Đó là điều các hãng bay không mong muốn bởi nhu cầu đi lại luôn có ở bất kỳ thời điểm nào. Tuy nhiên, để chung sức, đồng lòng cùng Chính phủ, các hãng đều chấp hành chỉ đạo cắt giảm bay, tạo nên một “hàng rào” vững chắc ngăn chặn sự lây lan của virus.
Cùng với đó, các hãng bay còn lập những cầu nối trên không, vận chuyển “vũ khí” cho các địa phương chống dịch. Hàng nghìn y bác sĩ, hàng triệu tấn trang thiết bị y tế, hàng triệu liều vắc xin đã được các hãng hàng không vận chuyển tới các tỉnh, thành.
Ông Đinh Việt Phương, giám đốc điều hành Vietjet, cho biết từ đầu giai đoạn dịch thứ tư đến nay, Vietjet đã vận chuyển hơn 3.000 y bác sĩ, hơn 6 triệu liều vắc xin tăng cường cho các địa phương, đồng thời trao tặng nhiều xe cứu thương cho các bệnh viện trên cả nước…
Do thực hiện yêu cầu giãn cách, Vietjet đã lập những nhóm tác chiến trên các ứng dụng mạng xã hội để tiếp nhận thông tin, triển khai công việc cho từng bộ phận.
>>> Xem thêm: Các doanh nghiệp hàng không khẩn cấp đề nghị ngân hàng hỗ trợ
Những chuyến bay phục vụ chống dịch
Tương tự như hàng không Việt Nam, hàng không thế giới cũng rất bận rộn với những chuyến bay phục vụ chống dịch.
Tại Mỹ, Delta Airlines đã thực hiện những chuyến bay đưa nhân viên y tế tới giúp sức nhiều bang bị ảnh hưởng nặng nề bởi đại dịch. “Chúng tôi mong rằng những chuyến bay sẽ giúp các y bác sĩ di chuyển thuận lợi hơn, góp phần hỗ trợ hành trình thực hiện nhiệm vụ của họ”, ông Bill Lentsch, Giám đốc dịch vụ khách hàng tại Delta, chia sẻ.
Hãng hàng không JetBlue đã bố trí các chuyến bay vận chuyển y bác sĩ và thiết bị y tế tới những “điểm nóng” thông qua sự phối hợp với các tổ chức phi lợi nhuận và phi chính phủ. Đối với American Airlines, từ khi xuất hiện dịch, hãng đã thực hiện hơn 9.400 chuyến bay chở hàng, vận chuyển các mặt hàng từ vắc xin, dược phẩm đến hàng hóa nông nghiệp, hàng hóa dễ hư hỏng.
Các hãng hàng không châu Âu cũng tích cực hỗ trợ UNICEF vận chuyển vắc xin, thuốc và thiết bị y tế tới các nước trên thế giới để đối phó với đại dịch. Nhờ mạng lưới đường bay rộng tại châu Phi, Brussels Airlines đã vận chuyển vắc xin và thiết bị y tế đến 16 quốc gia trong khu vực cận Sahara.
Qatar Airways và Cathay Pacific cũng là hai hãng hàng không kí thoả thuận với UNICEF hỗ trợ vận chuyển vật dụng y tế phục vụ phòng, chống dịch, trong đó đã vận chuyển hàng chục triệu liều vắc xin tới hơn 20 quốc gia.
Trong giai đoạn này, ngoài đội ngũ y bác sĩ, vắc xin và thiết bị y tế là mặt hàng chủ lực được các hãng hàng không vận chuyển. Ước tính, để vận chuyển vắc xin tới tất cả các quốc gia trên thế giới, các hãng hàng không cần thực hiện 15.000 chuyến bay.
Đánh giá về nhiệm vụ này, ông Alexandre de Juniac, tổng giám đốc kiêm giám đốc điều hành Hiệp hội Vận tải hàng không quốc tế (IATA) khẳng định: “Vận chuyển vắc xin phòng COVID-19 một cách an toàn là sứ mệnh thế kỉ đối với ngành vận tải hàng không toàn cầu”.
Nguồn: tạp chí hàng không