Để thực hiện phân tích về tình hình ứng dụng logistics trong sản xuất và kinh doanh, một số ngành hàng đã được lựa chọn căn cứ vào kết quả xuất nhập khẩu trong năm 2017 và 6 tháng đầu năm 2018. Phương pháp khảo sát sử dụng bảng câu hỏi và phương pháp phỏng vấn sâu áp dụng cho một số ngành nghề đã được thực hiện nhằm nắm bắt tình hình hoạt động logistics thực tế tại các doanh nghiệp sản xuất và kinh doanh.
Dưới đây trình bày ngắn gọn đặc thù và xu hướng một số ngành sản xuất được chọn làm mẫu phỏng vấn để tìm hiểu sâu về việc ứng dụng ngành logistics trong doanh nghiệp cũng như hoạt động thuê ngoài. Có thể nhận thấy rằng đặc thù của từng ngành đồng thời xu hướng ngành trong tương lai ảnh hưởng rất nhiều đến tình hình ứng dụng hoạt động logistics.
Xu hướng ứng dụng Logistics trong thương mại điện tử
Đặc thù ngành: Có đa dạng địa chỉ chủ hàng (hàng trăm, hàng nghìn địa chỉ) với các yêu cầu giao hàng phức tạp, gói hàng có kích thước nhỏ, tần suất giao hàng cao, tốc độ giao hàng phải nhanh, tỷ lệ thay đổi công ty (nhảy việc) của nhân viên cao và chi phí dành cho hoạt động marketing lớn.
Xu hướng ứng dụng: Áp dụng bán hàng đa kênh. Ứng dụng công nghệ như IoT, AI, thiết bị giao hàng Drones. Ứng dụng robot trong kho hàng. Giao hàng nhanh trở thành lợi thế cạnh tranh
Xu hướng ứng dụng Logistics trong sản xuất, chế biến gỗ
Đặc thù ngành: Thời gian quay vòng vốn khá lâu Nguồn gỗ trong nước chỉ cung ứng khoảng 2/3 trữ lượng và tình hình thị trường tương đối biến động
Xu hướng ứng dụng: Các doanh nghiệp nên tham gia sâu hơn vào các khâu tạo ra giá trị gia tăng cho sản phẩm, ví dụ như các khâu thiết kế, sản xuất, doanh nghiệp cần đề ra chiến lược dài hạn bán sản phẩm từ khâu đầu đến khâu cuối cùng hạn chế nhiều trung gian, tạm nhập rồi xuất sang các nước khác tiêu thụ. Tuy nhiên, ngành gỗ lại là ngành có vốn đầu tư cao, vì vậy xu hướng mua bán và sáp nhập diễn ra trong tương lai gần.
Các doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp lớn từ nước ngoài vào ngành sẽ mua lại hoặc góp vốn vào các công ty con không đủ khả năng cạnh tranh về sản xuất trên thị trường để tận dụng thị trường, cơ sở vật chất sẵn có và nhân công để đưa hoạt động sản xuất chế biến vào để bán sản phẩm vào cả thị trường nội địa và nước ngoài.
Xu hướng ứng dụng Logistics trong sản xuất linh kiện điện tử
Đặc thù ngành: Ngành Linh kiện điện tử của Việt Nam đang còn rất non trẻ và mới chỉ dừng lại ở hoạt động gia công, lắp ráp do đó hoạt động logistics ít nhiều phụ thuộc vào đối tác nước ngoài.
Giá trị hàng hoá khá cao, sản phẩm liên quan đến vấn đề chất xám và bản quyền nên trong hoạt động logistics, kho vận đóng vai trò then chốt sau hoạt động sản xuất, do vậy ít khi hoạt động kho hàng và quản trị hàng tồn được thuê ngoài.
Xu hướng ngành: Việt Nam hiện nay đang trở thành trung tâm sản xuất hàng điện tử của thế giới và là điểm đến hấp dẫn của dòng vốn FDI trong ngành công nghiệp điện tử.
Các doanh nghiệp trong nước sẽ tham gia sâu hơn vào chuỗi giá trị, đem lại những giá trị cao hơn như đóng góp vào khâu thiết kế và sản xuất ra một số linh kiện. Vì vậy cần xây dựng một đội ngũ nguồn lực có hàm lượng chất xám cao, đội ngũ IT giỏi để có những sản phẩm giá trị gia tăng vượt trội.
Các doanh nghiệp có xu hướng sử dụng AI, robot, Drones thậm chí là các thiết bị tự thiết kế trong nhà máy để tiết kiệm chi phí nhân công, vì vậy Việt Nam sẽ dần mất đi lợi thế về nhân công giá rẻ.
Xu hướng ứng dụng Logistics trong sản xuất phương tiện vận tải và linh kiện
Đặc thù ngành: Ngành công nghiệp ôtô Việt Nam chủ yếu vẫn là ngành công nghiệp lắp ráp. Tỷ lệ nội địa hoá vẫn chỉ ở mức vào khoảng 10%, một phần nguyên nhân là do các doanh nghiệp có quy mô nhỏ, sản lượng thấp nên chi phí sản xuất ở Việt Nam cao.
Xu hướng ngành: Việt Nam cần tăng tỷ lệ nội địa hoá. Doanh nghiệp trong nước bắt đầu tham gia nhiều hơn vào việc thiết kế sản xuất xe hơi.
Các doanh nghiệp trong nước đã tự mời chuyên gia nước ngoài về tư vấn cho doanh nghiệp để có thể sản xuất xe hơi mang thương hiệu nội địa giúp giá trị gia tăng tăng lên rất nhiều. Ví dụ như Thaco, Trường Hải, Vinfast.
Các doanh nghiệp sản xuất xe hơi lớn chủ yếu bán hàng qua đại lý thay vì bán trực tiếp đến tay của người tiêu dùng
Xu hướng ứng dụng Logistics trong ngành Dệt May
Đặc thù ngành: Mặt hàng may mặc có đặc thù sản xuất theo mùa, theo thị hiếu của từng thời điểm trong năm, vì vậy để sản xuất đúng thời gian cũng như các tiêu chí của người mua thì cần phải có sự phối hợp chặt chẽ giữa công ty và các khách hàng để lên kế hoạch nhập nguyên vật liệu về kịp sản xuất.
Nhập nguyên phụ liệu và xuất hàng thành phẩm đi các thị trường. Chi phí logistics chiếm khoảng 20-30% giá thành sản phẩm.
Xu hướng ngành: Doanh nghiệp dệt may và doanh nghiệp cung cấp dịch vụ logistics có thể kết hợp với nhau để thực hiện hoạt động logistics để giảm cả về chi phí, thời gian và thủ tục, doanh nghiệp giải được bài toán kết hợp nhập nguyên phụ liệu và xuất hàng đi thì sẽ tiết kiệm chi phí chạy rỗng và chi phí điều chuyển container rỗng.
Doanh nghiệp bắt tay nhau mua chung các nguyên phụ liệu đầu vào để có thể tận dụng lợi thế nhờ quy mô sẽ giảm được chi phí vận tải và tổng chi phí logistics.
Nguồn: Khảo sát của nhóm nghiên cứu Trường Đại học Giao thông vận tải (GTVT) TPHCM và Viện Nghiên cứu và phát triển logistics Việt Nam (VLI)